HD

Núi Dũng Quyết – niềm tự hào của đất Thành Vinh

09/12/2022 09:40

Núi Quyết vốn là Phượng Hoàng sơn, phần cực Đông của hệ Thiên Nhẫn thuộc thành phố Vinh. Nằm sát bên tả ngạn cửa sông Lam, đối ngạn với khối cực Bắc của dãy Hồng Lĩnh.

Núi Dũng Quyết có 4 chi: Long thủ (đầu rồng), Phượng Dực (cánh phượng), Kỳ Lân (con Mèo) và quy bối (con Rùa). Người xưa gọi đây là đất tứ linh bởi có đủ Long, Ly, Quy, Phượng. Núi Dũng Quyết từ buổi đầu dựng nước và giữ nước đã là vị trí yết hầu trên con đường thiên lý xuyên việt, trở thành căn cứ quân sự trọng yếu.

bna-image-3211548-8102018-1670553252.jpg
 

Chắc bởi hồn thiêng của non nước ở chốn này mà người xưa đã theo kinh điển khi viết về một loài chim quý để gọi núi theo cặp đôi: “Phượng” là chim trống và “Hoàng” là con mái. Hai tiếng “Phượng” và “Hoàng” đi liền nhau cũng biểu thị cảnh yên ả, phồn vinh, nên nhiều nơi người ta đặt tên núi của quê mình bằng cặp ngôn ngữ đó như ở Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Tĩnh...

Núi Phượng Hoàng của Nghệ An, phía Đông nghiêng xuống bến An Lạc, thuộc bờ sông Lam. Thuở xa xưa, con sông này khi về đến đây thì mang tên là Thanh Long giang rồi tuôn ra biển lớn.

Vua Lê Thánh Tông (1460-1497) trong một chuyến tuần thú phương Nam trở về (1470), ngài thấy “Biển đã hết giao long, chim âu ngủ yên trên bãi” nên cho thuyền ngự ngược cửa Hội Thống để thêm một quãng du ngoạn. Khi đã đặt chân lên mái núi Phượng Hoàng, nhìn ra cửa biển Đan Nhai với hai hòn Song Ngư bát ngát, ngài liền cảm hứng, đọc:

“Thanh Long triều trướng thủy liên thiên

Phủng hịch thời lai tạm nghỉ thuyền”

清 龍 潮 涨 水 连 天

捧 檄 时 来 暂 拟 船

(Thanh Long triều dậy, nước ngang trời

Hịch ban, tìm chốn ghé thuyền chơi)

Phàm, những nơi nhà vua đi qua để tạm dừng chân thì được gọi là “Cửa Quyết” (tiếng chỉ cái cổng để ngài bước vào hoàng cung). Nên, nơi này, từ đó cũng được mang tên là núi Quyết.

bna-image-5525356-8102018-1670553253.jpg
 

Qua tiến trình lịch sử, thời chiến tranh Trịnh - Nguyễn (1627-1672), để chế ngự quân Nguyễn ở Đàng Trong, tướng chỉ huy đất Bắc là Trịnh Toàn cho đồn trú tại vùng núi Quyết một số quân khá hùng hậu, gọi là “Dũng Quyết đội”. Từ đó núi có thêm tên gọi: “Dũng Quyết sơn”.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ năm 1773, anh em Nguyễn Nhạc chiếm được thành Quy Nhơn từ tay quân Lê - Trịnh. Từ đó, lại một cuộc phân tranh mới kéo dài mà phía Đàng Trong là giữa quân Nguyễn với nhà Tây Sơn.

Về sau, lợi dụng sự suy yếu của quân Nguyễn ở vùng Thuận Hóa, năm 1774, chúa Trịnh cho đem 3 vạn quân vào chiếm lấy thành Phú Xuân... Phải đến mười năm sau, khi anh em nhà Tây Sơn dẹp yên được quân Nguyễn ở đất Gia Định, tháng 6-1776, Nguyễn Huệ mới ra đuổi quân Trịnh, giải phóng thành Phú Xuân rồi tiến thẳng ra Thăng Long, phế bỏ nhà Trịnh, tập trung quyền hành cho vua Lê (21-7- 1786).

Nhưng rồi lúc đó, vua Lê bất lực, bọn phản động tìm cách chống chế, Bắc Bình vương Nguyễn Huệ cử người ra dàn xếp mà không xong, vương lại tự thân ra can thiệp. Bấy giờ tình thế mới tạm ổn. Trong quá trình phải ra Bắc lần này, lần khác, vương đã chú ý đến vùng núi Quyết. Rồi từ sự nhìn nhận của ngài, vùng núi này đã được nâng lên một tầm thế mới trên bản đồ đất nước. Ấy là do Ngài đã cho đặt triều miếu tại đấy, với tên gọi là Phượng Hoàng Trung Đô.

Nhưng, triều Tây Sơn ngắn ngủi, một phần vì Hoàng đế Quang Trung mất sớm! Việc xây đế đô ở Yên Trường chưa được hoàn tất. Về sau, vua Gia Long cho đặt trấn sở Nghệ An tại làng Vĩnh Yên (Thành cũ Vinh hiện nay). Nhưng núi Quyết vẫn nguyên vẹn tầm thế của nó theo như cái nhìn của Hoàng đế Quang Trung.

song-lam-1670553252.jpg
 

Sang giai đoạn lịch sử cận đại, vùng Núi Quyết đã trở thành một trung tâm công nghiệp - thương mại, tiêu biểu nhất là Công ty khai thác rừng, chế biến gỗ và làm diêm Đông Dương - Lào, viết tắt là SIFA (khoảng 1901-1945). Thưở đó người ta cũng chỉ mới dựa vào địa thế của núi Quyết và Bến Thủy chứ chưa khai thác được nhiều về thế mạnh ở nơi đây.

Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946-1954) bùng nổ, nhân dân thị xã Vinh thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”. Khi hòa bình được lập lại, ta xây dựng nhiều cơ sở công nghiệp mới ở dưới chân núi Quyết, nhất là Nhà máy Điện Vinh. Năm 1957, trong dịp về thăm quê lần đầu, Bác Hồ đã đến với nhà máy này.

Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, vùng núi Quyết trở thành trận địa phòng không. Lưới lửa dân quân thành Vinh từ đây tung lên, đã thiêu cháy nhiều máy bay giặc. Từ đó, núi Quyết lại một lần nữa kiên cường đứng dậy từ những đổ nát mà gây dựng lại cơ đồ.

Nay, tòa đền thờ Hoàng đế Quang Trung cao đẹp, uy linh nhìn ra tứ phía. Hai chiếc cầu hiện đại, đẹp nối đôi bờ sông Lam nằm ở hai phía Bắc và Nam của những dặm chân núi, tạo thêm sự tiện lợi, thông thoáng cho thế đầu tư, phát triển của Thành phố quê hương Bác kiên cường.

 

Bạn đang đọc bài viết "Núi Dũng Quyết – niềm tự hào của đất Thành Vinh" tại chuyên mục Xứ Nghệ xưa & nay. Mọi chi tiết xin gửi email về địa chỉ: nguoixunghe.bbt@gmail.com.